top of page

Xu hướng nhạc “Retro” – Lý giải tại sao nhạc thời xưa lại hay hơn bây giờ

Updated: May 23, 2022

Có bao giờ bạn vô tình nghe lại một bài nhạc từ tấm bé và cảm thấy rất mực bồi hồi? Có bao giờ bạn ngậm ngùi so sánh “Nhạc thời xưa hay biết bao nhiêu, không như nhạc bây giờ…”?


âm nhạc
Hình minh họa (nguồn: phim The liar and his lover)

Nếu bạn từng là một fan của nhạc V-Pop thì đâu đó trong một vài lần lướt Tik Tok, bạn có thể đã bắt gặp những đoạn clip cắt từ các MV ca nhạc Việt Nam từ thập niên 2000 với chủ nhân là những cái tên quen thuộc với bao thế hệ 8X và 9X như Ưng Hoàng Phúc, Bảo Thy, Lương Bằng Quang, nhóm H.A.T,… Phải thừa nhận rằng, những bài hát từ thời “audition” này tuy đã ra đời từ rất lâu, nhưng mỗi khi giai điệu của chúng vang lên, những Gen Y và Gen Z đời đầu chúng ta lại bất giác ngân nga theo lời bài hát không sót một chữ nào.


Xu hướng nhạc "Retro" - Nghe nhạc những bài hát xưa cũ đang trở thành trào lưu ở một bộ phận các bạn trẻ. Những clip phát lại những bản hit từ thập niên "bùng nổ nhạc Việt" này nhận được cơn mưa lời khen từ cộng đồng mạng. Nhiều người xem thậm chí còn so sánh với nhạc trẻ bây giờ. Họ cho rằng những ca khúc hiện nay không thể sánh bằng âm nhạc thuở trước, V-pop hiện đại tuy được đầu tư về hình ảnh và âm thanh nhưng lại không đọng lại cho họ chút gì. Trong khi đó, những ca khúc cũ tuy đơn giản về ca từ và hình ảnh nhưng lại tạo cho họ những cảm xúc quá đỗi mạnh mẽ.


Vậy thì có phải âm nhạc thuở sơ khai thực sự hay hơn nhạc hiện đại hay không? Âm nhạc Việt Nam liệu có đang đi xuống? Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn bí ẩn đằng sau những giai điệu qua góc nhìn tâm lý học và văn hóa. Bạn sẽ hiểu được cách mà âm nhạc tác động lên cảm xúc của chúng ta.


Nghiên cứu của nhà tâm lý học David C. Rubin về “vết sưng hồi tưởng” (reminiscence bump) đã chỉ ra rằng: con người giỏi ghi nhớ các sự kiện và chi tiết về văn hóa vào khoảng thời gian niên thiếu của họ hơn so với các giai đoạn khác. Hay nói cách khác, bộ nhớ dài hạn của chúng ta hoạt động tối ưu nhất vào khoảng thời gian này. Nghiên cứu khác của tiến sĩ tâm lý Jakubowski về cách con người nhận diện âm nhạc còn chỉ ra rằng, cột mốc đỉnh cao để bộ não nhận diện và ghi nhớ giai điệu là năm 14 tuổi. Đó là lí do tại sao chúng ta vẫn có thể nhớ rõ mồn một những ca khúc từ thời xa lắc xa lơ, trong khi đó một ca khúc chúng ta mới nghe năm ngoái lại không đọng lại cho chúng ta chút gì cả.


Một phát hiện thú vị khác đến từ vị trí Valorie N. Salimpoor - nhà tâm lí học về khoa học thần kinh: cấu trúc bộ não của chúng ta tồn tại một bộ phận gọi là "hệ thống trao thưởng" (reward system). Nhóm thần kinh này gây ảnh hưởng đến niềm vui thú của chúng ta. Khi các ca khúc huyền thoại vang lên, não bộ chúng ta sẽ thực hiện quá trình dự đoán những hình ảnh và giai điệu xảy ra tiếp theo trong clip đó, và quá trình này sẽ kích hoạt hệ thống trao thưởng, khiến chúng ta cảm thấy hân hoan lạ kỳ.


âm nhạc
Âm nhạc mà bạn nghe được vào thời niên thiếu sẽ là giai điệu ở lại trong tâm trí bạn lâu nhất (Hình minh họa)

Đó là những sự thật về cách chúng ta cảm nhận về âm nhạc dưới lăng kính khoa học. Còn về bối cảnh văn hóa, liệu có ảnh hưởng gì tới cách chúng ta cảm thụ âm nhạc? Câu là trả lời là có.


Ở thập niên 2000, xã hội Việt Nam còn khá lạ lẫm với Youtube – nền tảng phát video thịnh hành nhất thế giới. Ở thời điểm đó, đa số thiếu niên Việt chỉ xem nghe nhạc qua các kênh truyền hình như ITV hoặc trò chơi máy tính như Audition. Các phương tiện giải trí còn khá khan hiếm. Vì vậy các ca khúc nhạc V-pop bấy giờ hiển nhiên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các cô cậu Gen Y và Gen Z đời đầu.

Giờ đây thì khác, chúng ta chìm trong hàng tá sự lựa chọn. Nhiều thể loại nhạc du nhập và vô vàn nghệ sĩ trình diễn cho chúng ta thưởng thức. Chỉ với một cú click, chúng ta dễ dàng lướt qua những giai điệu không thuận tai. Cùng với đó là sự lên ngôi của các nền tảng video ngắn như Tik Tok, Reels cho phép chúng ta “chuyển kênh” chỉ bằng một thao tác vuốt tay.


Bảo Thy và Vương Khang tái hiện lại bản hit "Tell me why" từng làm mưa làm gió một thời trên "Audition"

Độ tuổi mà chúng ta nghe nhạc tác động đến cảm nhận của chúng ta tới bài hát. Những sản phẩm của Sơn Tùng MTP có thể như một bát mì ăn liền đối với Gen X và Gen Y, nhưng với Gen Z chúng là những huyền thoại. Bối cảnh thời đại cũng ảnh hưởng tới thói quen nghe nhạc của chúng ta. Khi sở hữu càng nhiều sự lựa chọn, chúng ta càng cảm thấy khó hài lòng. Đó là lí do mà càng nhiều ca sĩ ra mắt, càng nhiều MV ca nhạc được phát hành, càng nhiều ý tưởng xuất hiện, chúng ta lại càng khó tính hơn. Âm nhạc vốn nó không tệ đi hay xuất sắc hơn ở một thời điểm nào, chỉ là tâm lý chúng ta thay đổi mà thôi.


27 views0 comments
bottom of page