top of page

Hoàng tử bé – Cuốn sách cho những ai muốn tìm lại trái tim thuần khiết

Updated: Jun 10, 2022

Nếu bạn đang cảm thấy chán chường giữa một thế giới người lớn khô cằn, phi lí và lạnh lùng thì “Hoàng tử bé” là một cuốn sách vô cùng thích hợp để thanh lọc tâm hồn bạn.



Tôi đã từng đọc qua rất nhiều thể loại sách, nhưng tuyệt nhiên chưa tìm ra cuốn sách nào đặc biệt như Hoàng tử bé (Antoine De Saint-Exupéry). Đó là một cuốn sách minh họa màu nước, với văn phong đơn giản và dí dỏm, nhân vật chính là một cậu bé, hoàn toàn không nêu một câu triết lý nào khiến chúng ta hình dung ra một cuốn sách viết cho trẻ em. Nhưng khi đọc hết những câu chuyện trong đó, ta mới vỡ lẽ ra thật nhiều bài học sâu sắc dành cho người lớn. Chính sự độc đáo này khiến tôi yêu thích cuốn sách này hơn tất cả thảy tác phẩm trên đời. Và vì thế tôi muốn chia sẻ chút cảm nhận của mình về cuốn sách này.


Tôi mua cuốn Hoàng tử bé lúc tôi còn học trung học. Khi đó, tôi vẫn chưa hiểu hết được những gì tác giả muốn truyền tải. Tôi chỉ hiểu được nó ở cấp độ bề mặt, thu nạp đơn thuần những gì tác giả kể. Tôi thắc mắc tại sao hoàng tử bé lại ngắm mặt trời lặn tận 44 lần, khó hiểu trước việc em phải lòng một bông hoa, phát bực bởi việc em tìm cách ngăn những chú cừu không vô tình ngoạm bông hoa của mình, và xa lạ trước những nhân vật kì quái em gặp trên chuyến phiêu lưu như là ông vua không thần dân, nhà buôn mở tài khoản ngân hàng để sở hữu các vì sao, kẻ hợm hĩnh luôn thích được tung hô, ông nát rượu với lối sống quẩn quanh bế tắc, và cả nhà địa lý không bao giờ đi đâu với những tri thức vĩnh cửu. Tôi không tài nào giải thích được những chi tiết đó, và kết quả là tôi đã gấp trang sách lại khi còn đang đọc dang dở.


Bẵng đi một thời gian, khi tôi đã trở thành người lớn, tôi nghĩ là mình đã đủ sáng suốt hơn và quyết tâm “xào” nó lại một lần nữa. Thế rồi tôi cầm cuốn sách lên và đọc lần hai. Không biết có phải nhờ môn ngữ văn được học ở trường mà khả năng cảm thụ văn học của tôi mạnh mẽ hơn, hay là vì trí tưởng tượng của tôi phát triển hơn hồi đó không, mà giờ đây từng câu chữ trong trang sách bỗng nhiên mở ra những tầng tầng lớp lớp ý nghĩa suy tư, thấm nhuần trong trí não tôi một cách lạ kỳ.


Đó như là cảm giác của một cái bóng đèn được thắp sáng. Tôi dần hiểu ra những bài học ẩn sâu trong từng câu chuyện của Hoàng tử bé. Chuyện tình của cậu bé đến từ hành tinh B 612 và bông hồng độc nhất trên hành tinh của em đại diện cho bất kỳ mối tình thời non trẻ của chúng ta.



Bông hoa đỏng đảnh yêu kiều kia là hiện thân của một cô gái xinh đẹp mong mỏi được yêu thương và chở che, nhưng vì lòng kiêu hãnh mà luôn tỏ ra mạnh mẽ và khó chiều. Có lẽ tất cả những lời nói bất nhất đó cũng chỉ để che dấu khao khát sự quan tâm từ người mình yêu. Nhưng hoàng tử bé quá ngây thơ. Em chỉ mới biết yêu thôi mà. Em chỉ toàn để bụng những lời lẽ bất cần của cô nàng đỏm dáng kia mà bỏ quên những lần cô tỏa hương cho em. “Lẽ ra tôi không bao giờ được phép bỏ đi! Lẽ ra tôi phải đoán được tính nết dịu dàng của cô nàng đằng sau những mưu mẹo tội nghiệp kia.” Em cứ thế nức nở trong ân hận. Nhưng Hoàng tử bé cũng như bao chàng trai trẻ tuổi khờ dại khác, nào đâu biết thấu hiểu cho người mình thương.


Câu chuyện về Hoàng tử bé và bông hồng trong lòng em chỉ là một trong số những bài học mà tôi chiêm nghiệm được từ hành trình của em. Còn cả sự châm biếm thông qua những nhân vật em gặp. Ông vua tự xưng và coi tất cả mọi người viếng thăm hành tinh của mình là thần dân hiện thân cho những con người độc tài, đam mê quyền lực và luôn muốn kiểm soát người khác. Ông hợm hĩnh đại diện cho những người thích thể hiện, luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ. Ông nát rượu với lối sống bê tha tắc tị khiến chúng ta liên tưởng tới những kẻ hèn nhát, chìm đắm trong thất bại và sự phấn khích ảo giác mà chất kích thích mang lại. Còn nữa, một nhà buôn luôn tỏ ra bận rộn với việc kiểm tra số lượng các vì sao, mãn nguyện khi được sở hữu chúng và ám ảnh bởi các con số. Ông ta gợi lên hình ảnh những kẻ thực dụng luôn đặt vật chất lên tất cả mọi thứ, lấy số lượng để định nghĩa giá trị và tham vọng quá đỗi những thứ phù du. Cuối cùng là nhà địa lý chỉ ở yên một chỗ với những tri thức vĩnh cửu, phản chiếu những người ấu trĩ và chỉ trọng lý thuyết suông.


Những người lớn có bao giờ tự họ hiểu được thứ gì đâu, luôn luôn và mãi mãi trẻ con cứ phải đi giải thích cho các vị.

Bấy nhiêu hình tượng đơn giản đó cũng đủ phản ánh thế giới người lớn khô khan và phức tạp. Họ cứ nghĩ là họ lớn lắm rồi. Và cứ thế họ thao thao bất tuyệt với con trẻ về sự uyên thâm và đứng đắn của họ. Nhưng “những người lớn có bao giờ tự họ hiểu được thứ gì đâu, luôn luôn và mãi mãi trẻ con cứ phải đi giải thích cho các vị.” Họ không tài nào hình dung được bức tranh “trăn kín bụng”, họ xem thường sự tồn tại của một bông hoa, và họ không tài nào hiểu được tầm quan trọng của việc tưới nước mỗi ngày và ngăn không cho những con cừu hủy diệt bông hồng đó. Thế đấy, chúng ta cần phải hết sức độ lượng cho người lớn.


Một trong những chi tiết mà tôi thích nhất ở cuốn sách này đó là khái niệm về “sự thuần hóa”. Nếu bạn thuần hóa một thứ, bạn sẽ “liền cần đến kẻ kia”, với bạn nó sẽ là duy nhất trên đời. Hệt như lời của con cáo nói với Hoàng tử bé: “Nếu cậu thuần hóa tớ, đời tớ sẽ như thể được mặt trời tỏa nắng. Tớ sẽ quen với tiếng một bước chân khác hẳn với những bước chân khác. Những bước chân của cậu sẽ gọi tớ ra khỏi hang… Lúa mì đối với tớ thật vô dụng. Nhưng cậu lại có mái tóc màu vàng. Lúa mì, vốn dĩ vàng óng, sẽ khiến tớ nhớ tới cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió thổi trên đồng lúa mì.”



Thế là tôi ngỡ ngàng nhận ra, chính ra mình cũng đã và đang được thuần hóa. Khi mà một đứa chẳng biết gì về game sất như tôi, lại đột nhiên thấy những trò chơi trên máy tính rất mực thú vị, chỉ vì người tôi thích thường chơi game lúc rảnh.

Người ta chỉ hiểu những thứ mà người ta thuần hóa. Chính thời gian mà cậu dành cho bông hồng của cậu mới khiến bông hồng của cậu quan trọng đến thế.

Thế đấy. Đôi lúc tôi cũng không thể gọi tên được cảm xúc của mình. Nhưng giờ thì nhờ Hoàng tử bé mà tôi đã lí giải được tâm lí của mình. Rõ ràng chỉ là tác phẩm cho thiếu nhi nhưng có thể giúp tôi nhìn rõ nhiều điều hơn trong cuộc sống.


Vì thế dù bạn là người ai, một thiếu niên đang hiếu kỳ về thế giới hay một người lớn trước kia vốn từng là một đứa trẻ, thì cũng nên đọc cuốn sách này một lần. Đối với thiếu nhi, nó là một câu chuyện cổ tích diệu kỳ, đối với người lớn, nó lại là một áng văn phản ánh nhân sinh chân thực . Hoàng tử bé không hề rao giảng một đạo lý nào, nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn phải tỉnh ngộ. Còn đối với tôi, Hoàng tử bé là cuốn sách gối đầu giường, là liều thuốc cho tâm hồn, là kim chỉ nam cho bất kỳ lúc nào tôi cảm thấy lạc lõng và bị cuốn theo cuộc sống trưởng thành nghèo nàn và áp lực này.



bottom of page