top of page

6 dấu hiệu để nhận biết một người đang 'crush' bạn qua internet

Updated: May 22, 2022

"Nghiện mà ngại" là cụm từ để miêu tả những người đang quan tâm đến bạn nhưng thiếu một chút tự tin để mở lời. Tiếp cận một cách gián tiếp thông qua mạng xã hội là cách họ bật đèn xanh cho bạn.


Hình minh họa (nguồn: Pinterest)

Khi công nghệ ngày một phát triển và các trang mạng xã hội trở nên thịnh hành, việc tiếp cận một ai đó không còn quá khó khăn. Chỉ với vài thao tác truy cập vào trang cá nhân của đối phương, họ có thể biết được sở thích, nằm lòng các hoạt động thường nhật, cập nhập tình hình và diên mạo của bạn qua thời gian mà không nhất thiết phải gặp bạn. Nếu như việc tương tác âm thầm như vậy trở nên phổ biến, làm sao chúng ta có thể biết được ai đang lặng lẽ để ý đến mình trong hàng trăm người trong "friendlist"?


Tuy việc “đánh hơi” sự quan tâm của một người qua hàng tá tương tác là không dễ dàng, nhưng nếu tinh ý một chút, bạn hoàn toàn có thể định vị tên “đạo chích” kia qua một số manh mối sau đây.


#1 Xuất hiện những 'tài khoản ma' lượn lờ story của bạn


"Tài khoản ma" hay còn được dân gian gọi là "acc ảo" là một tài khoản được tạo ra chỉ để theo dõi người khác nhưng không muốn danh tính của chủ nhân bị lộ. "Sợ em biết lại sợ em không biết" là tâm lý của những bóng ma bí ẩn này.


Đôi khi đến việc thể hiện sự quan tâm mà người ấy cũng quá dè dặt và không dám "follow" bạn một cách đường đường chính chính. Thế là họ chọn cách ẩn nấp dưới một lớp ngụy trang.


Đặc điểm của những tài khoản này là "vườn không nhà trống". Trang cá nhân chỉ tồn tại một vài hình ảnh lấy từ mạng hoặc thậm chí là không có tấm ảnh nào, đôi lúc là tài khoản riêng tư với 0 lượt người theo dõi nhưng số lượt "following" thì lên đến hàng trăm. Thông tin cá nhân và hình ảnh đại diện thì không rõ ràng. Ừ thì cũng dễ hiểu mà, tài khoản chuyên dùng để "stalk" thì làm gì cần đầu tư nhiều.


#2 Tương tác với mọi nhất cử nhất động của bạn suốt bốn mùa xuân- hạ- thu- đông


Khi một người có hứng thú với bạn, họ sẽ cảm thấy phấn chấn khi bắt gặp những bài "post", "story" hay "status" mà bạn đăng lên mạng xã hội. Kết quả là họ cảm thấy được thôi thúc để tương tác với bài đăng đó. Thậm chí là họ sẽ “react” trong vô thức dẫu cho họ còn chưa thèm nghía qua nội dung của bài đăng đó là gì.


Hình minh họa (nguồn: google)

Bí mật đằng sau sự “dễ dãi” trong tương tác này là vì trong giao tiếp online, con người không tốn quá nhiều nhận thức và nỗ lực để thể hiện biểu cảm, thay vào đó các biểu tượng cảm xúc (emoticons) đã thay họ làm điều đó. Hơn nữa, tương tác trực tuyến không đòi hỏi sự đồng bộ trong giao tiếp. Họ sẽ không nhìn thấy được cảm xúc của bạn trước những “reaction” bộc phát đó của họ.


Khác với tương tác trực tiếp - khi chúng ta mặt đối mặt, những tín hiệu cảm xúc qua lại phải xảy ra đồng thời và tiếp nối: Một người kể chuyện hài - một người cười tán thưởng, một người tâm sự - một người an ủi, một người nổi giận - người kia căng thẳng. Chính sự khác biệt này giữa môi trường “online” và “offline” là động cơ cho sự tự do thể hiện cảm xúc của họ đối với bạn, vì họ biết rằng họ sẽ không phải đối mặt với phản hồi tương ứng của bạn.


#3 Cậu ấy chọn thả tim hay những "reaction" mạnh mẽ hơn thay vì chỉ nhấn nút "like" đơn điệu


Nếu bạn điểm lại những bài post của mình trong quá khứ và thấy cậu ấy luôn nằm trong danh sách những người thả tim thì xin chúc mừng, khả năng cao là cậu ấy có cảm tình với bạn đấy.


Như đã giải thích ở trên, chính vì mọi người có xu hướng tự do biểu đạt ở môi trường ảo hơn so với đời thực, cậu ấy không ngại thể hiện sự yêu thích nồng nhiệt của mình dành cho nội dung của bạn. Cậu ấy có thể sẽ bắn tim cho những bức hình yêu kiều của bạn, thả “haha” cho các nội dung hài hước bạn chia sẻ, hay thể hiện sự đồng cảm qua biểu tượng “buồn bã” khi bạn đăng tải một dòng trạng thái tâm trạng.


#4 Luôn là quán quân trong bảng xếp hạng những ứng cử viên xem "story" của bạn nhanh nhất


Cá là bạn thường xuyên kiểm tra xem những ai đã xem story của mình. Có những hôm vì quá đỗi ưng ý với story mới đăng vài giây trước của mình mà bạn “reload” lại trang cá nhân của mình để hóng có bao nhiêu lượt xem mới. Kết quả là cậu ta vẫn luôn về nhất. Sự lẹ làng của cậu ta khiến bạn đôi lúc phải băn khoăn liệu cậu ta có vô công rồi nghề hay không. Không phải vậy đâu ngốc ạ. Cậu ta chỉ đang nhiệt tình quan tâm đến bạn thôi mà.


Theo thuật toán của Instagram, những tài khoản thường xuyên tương tác với bạn sẽ được ưu tiên hiển thị hoạt động lên đầu trang feed của bạn. Instagram đã ghi nhớ lịch sử những lần cậu ta lần mò vào trang cá nhân và tương tác với tài khoản của bạn nên ngược lại, hoạt động của bạn sẽ hiển thị lên đầu trang của cậu ta. Đó là lời giải thích cho hiện tượng "nhanh như chớp" của người "crush" bạn.


Hình minh họa (nguồn: google)

#5 Phản hồi "story" của bạn thay vì chủ động bắt chuyện


Giờ thì bạn đã bắt được kha khá tín hiệu từ phía cậu ta. Nhưng tại sao đã lâu như vậy không thấy cậu ta chủ động bắt chuyện? Đừng nóng lòng bạn của tôi ơi, cậu ấy chỉ đang lo lắng không biết tình cảm từ phía bạn như thế nào thôi mà. Hoặc tệ hơn là cậu ấy mang trong mình nỗi sợ bị từ chối. Những người từng trải qua tình huống bị chối bỏ, coi thường hoặc xa lánh trong quá khứ sẽ khó chủ động để mở lời với người khác hơn những người bình thường.


“Thật ra yêu một người không phải là điều đáng sợ, cái đáng sợ là bởi vì yêu người ấy, đến tự tin cũng không còn.” Khi rơi vào lưới tình, chúng ta có xu hướng xem nhẹ bản thân và cảm giác mình không xứng đáng với đối phương. Đối tượng đang “stalk” bạn có thể đang chờ một "story" mang nội dung mà cậu ấy hiểu biết để mở lời với bạn đấy. Phản hồi một bức hình mang cảm giác tự nhiên và tình cờ hơn là một cuộc hội thoại được bắt đầu từ một phía.


Hình minh họa (nguồn: Wix)

Bằng cách phản hồi lại story của bạn, bạn sẽ có cảm giác cậu ấy là người tiếp nối câu chuyện chứ không phải là người chủ động. Bạn sẽ vô tư cho rằng cậu ấy mở lời với bạn vì tình cờ bắt gặp nội dung mà cậu ấy hứng thú. Nhầm to rồi ấy ơi, thứ mà cậu ta hứng thú chính là bạn đấy!


#6 Biết cách để chèo lái cuộc hội thoại đi xa hơn cho dù câu nói của bạn có đi vào ngõ cụt


Có thể ban đầu bạn chưa hứng thú với cậu ấy lắm. Vì thế mà bạn trả lời khá là ngắn gọn và hời hợt. Cho dù câu trả lời của bạn có “đóng kín” như thế nào thì cậu ta vẫn biết cách để mở ra cánh cửa tiếp theo. Cậu ấy sẽ đưa ra hàng chục câu hỏi tiếp nối liên quan đến câu chuyện cho đến khi bạn nhận ra cuộc hội thoại đã kéo dài được mấy ngày rồi. Và như một thói quen, bạn tiếp tục chia sẻ những câu chuyện khác cho cậu ấy. Cứ thế cậu ấy dần bước vào cuộc sống của bạn. Đến đây thì có vẻ như cái ngày hai bạn gặp mặt trực tiếp không còn xa nữa rồi.


Đó là toàn bộ những dấu hiệu cơ bản của một kẻ “âm thầm bên em”. Nếu như điểm qua hết tất cả dấu hiệu trên mà bạn vẫn chưa bắt được “radar” của một “stalker” nào thì không sao cả , có thể người ấy vẫn đang trên đường tìm kiếm tài khoản cá nhân của bạn đấy.

83 views0 comments
bottom of page